Hiện tượng đồng tính ở giới trẻ


1.     Đồng tính, trào lưu mới của giới trẻ
Đồng tính được biết đến như một xu hướng tình dục từ thời xa xưa. Ngày nay, đồng tính không chỉ là một xu hướng tình dục, mà đó còn là một trào lưu mới của giới trẻ, một hiện tượng tâm lý xã hội đang nổi lên và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, thu hút được nhiều người tham gia.

 Vì thế, hiện tượng này cần được quan tâm xem xét dưới góc nhìn khoa học và cần có sự định hướng rõ ràng cho giới trẻ. Là người làm công tác tham vấn và trị liệu tâm lý và tiếp xúc nhiều với những thân chủ có vấn đề đồng tính, tôi nhận thấy, trong những năm gần đây, hiện tượng này có xu hướng phát triển rất mạnh và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giới trẻ. Nhiều bộ phim về người đồng tính được công chiếu rộng rãi, những cuốn truyện về tình yêu đồng tính cũng được xuất bản rộng rãi, những đám cưới của người đồng tính cũng đã xuất hiện và cả những cuộc triễn lãm ảnh để kêu gọi sự cảm thông, chấp nhận và không kỳ thị của xã hội đối với người đồng tính… đã vô tình làm cho giới trẻ nhận thức sai lệch về vấn đề này. Phải chăng, chúng ta đang cổ xúy cho trào lưu mới này của giới trẻ? Nhiều em học sinh chỉ mới lớp 6, lớp 7 đã bị lôi kéo vào trào lưu này và sau đó muốn dứt ra không thể dứt ra được. Và kết quả là gia đình đưa đến gặp chuyên gia tâm lý.
2.     Người đồng tính, họ là ai?
Xét về góc độ giới tính, ngày nay chúng ta có thể chia thành 4 loại: giới nam, giới nữ, giới thứ 3 (đồng tính nam hoặc đồng tình nữ) và giới thứ 4 (nam-nữ chỉ “gắn bó” về mặt tinh thần chứ không có yếu tố tình dục). Về vấn đề này, có nhiều quan điểm cho rằng, chỉ có 2 giới tính đó là giới nam và giới nữ chứ không có giới thứ 3, thứ 4. Đồng tính chỉ là một xu hướng tình dục chứ không phải là một giới tính.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi không đồng tình với nhận định này. Bởi vì, xét về mặt hiện tượng của vấn đề thì người đồng tính hay dị tính đều có quan hệ, gắn bó về mặt tình cảm, có tình yêu, trong tình yêu có định hướng tiến đến hôn nhân và muốn gắn bó lâu dài… thì không thể xem là một xu hướng tình dục được. Tuy nhiên, có 1 loại mà có thể xem đó là một xu hướng tình dục, đó là người lưỡng tính (có quan hệ tình dục với cả nam và nữ).
Những người được gọi là người đồng tính (hay còn gọi là người thuộc giới thứ 3) khi những người này có khuynh hướng thích, yêu và quan hệ tình dục với người cùng giới với mình. Nam với nam người ta gọi là “gay”, nữ với nữ người ta gọi là “les”. Yếu tố tình dục dường như khá quan trọng ở người đồng tính nam (gay). Người đồng tính nam đến với nhau chủ yếu là ham muốn về mặt thể xác. Chính vì thế, mối quan hệ này rất lỏng lẻo và rời rạc, thời gian gắn bó của 2 người với nhau là khá ngắn, họ có rất nhiều bạn tình vì thế sự chung thủy là rất hiếm nên nhiều người đồng tính nam (gay) cảm thấy buồn và chán nản vì khó tìm một người chung thủy trong giới của họ. Người đồng tính nam (gay) dễ dàng chấm dứt một mối quan hệ khi nhu cầu về thể xác đã được thỏa mãn.
Ngược lại, ở người đồng tính nữ (les) thì lại khác. Yếu tố gắn bó chính trong mối quan hệ này là tình cảm. Vì thế, 2 người nữ lúc đầu chỉ là cảm mến nhau, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cảm thông vì hoàn cảnh của 2 người khá giống nhau, sống chung với nhau và theo quy luật hình thành tình cảm thì tình cảm này dần lớn lên và phát triển thành tình yêu và có yếu tố tình dục. Vì thế, đồng tính nữ có thời gian gắn bó lâu dài hơn đồng tính nam, tình cảm rất mãnh liệt. Nếu một trong 2 người không muốn tiếp tục vì không còn tình cảm hoặc đến với một người khác thì sẽ bị đối phương níu kéo, theo đuổi ráo riết và thậm chí là giết hại người bạn đời của mình vì không muốn đánh mất hay san sẻ tình cảm đó cho người khác.
3.     Phân loại đồng tính
Xét về nguyên nhân, về cơ bản chúng ta có thể phân đồng tính thành 2 loại: đồng tính có căn nguyên sinh học (nhiều người gọi là “đồng tính thật”) và đồng tính có căn nguyên tâm lý xã hội (nhiểu người gọi là “đồng tính giả”).
a)    Đồng tính có căn nguyên sinh học
Trong mỗi người chúng ta, có 2 loại hóc môn giới tính: Testosterone và Oestrogen. Testosterone hay còn gọi là hóc môn nam tính, có tác dụng hình thành hình hài người nam và nam tính ở người đàn ông. Nếu bạn là một nam thực thụ thì lượng Testosterone không những đủ để hình thành hình hài của người nam mà còn thể hiện nam tính của người đàn ông. Nếu lượng Testosterone ở người nam chỉ đủ hình thành hình hài người nam thôi, chứ không đủ để thể hiện nam tính, trong khi đó lượng Oestrogen (hóc môn nữ tính) có khuynh hướng gia tăng quá mức thì người nam đó sẽ có hình hài là nam nhưng tính tình, cách hành xử và giọng nói thì ẻo lả như con gái, thích tiếp xúc với người nam hơn và họ nghĩ mình là nữ nên tìm một đối tượng là nam. Vì thế, có hiện tượng là đồng tính nam (gay).
Ngược lại, nếu bạn là một người nữ, thì lượng Oestrogen phải cao để hình thành hình hài người nữ và nữ tính ở người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu lượng Oestrogen chỉ đủ để hình thành hình hài là nữ, trong khi đó lượng Testosterone lại có khuynh hướng gia tăng thì mặc dầu thân hình của bạn là nữ nhưng tính cách, cách hành xử và thích giao tiếp với nữ nhiều hơn. Bởi vì bạn đang nghĩ mình là nam chứ không phải là một nữ nên đối tượng họ hướng đến là một người nữ và điều này dẫn đến hiện tượng đồng tính nữ (les). Đồng tính có căn nguyên sinh học như đã trình bày ở trên có thể điều trị theo y học bằng cách duy trì việc bổ sung hóc môn và rèn luyện hành vi, thói quen trong giao tiếp và thậm chí có thể chuyển đổi giới tính. Bạn muốn biết mình có phải là người đồng tính có căn nguyên sinh học hay không thì có thể đến các bệnh viện để làm xét nghiệm về hóc môn giới tính. Ở đó các bác sẽ làm các xét nghiệm có liên quan và sẽ có kết luận về hoài nghi của bạn.
b)    Đồng tính có căn nguyên tâm lý xã hội
Khi tiếp xúc với nhiều bạn trẻ là người đồng tính, hầu như các bạn đều thừa nhận và khăng khăng khẳng định rằng, mình là là loại đồng tính thứ thiệt (có căn nguyên sinh học) chứ không thừa nhận đó là do nguyên nhân tâm lý xã hội. Đây chỉ là lý do để ngụy biện cho trào lưu mà mình đang theo đuổi chứ không phải là sự thật của vấn đề. Vậy, người đồng tính có căn nguyên tâm lý là người như thế nào?
Đồng tính có căn nguyên tâm lý xã hội là loại đồng tính mà nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố tâm lý xã hội. Sau đây là một số nguyên nhân điển hình:
-        Mong đợi của bố mẹ về giới tính của con trước khi sinh: Nhiều trường hợp, bố mẹ mong có con trai nên trong giai đoạn thai giáo, việc giáo dục thai nhi được tiến hành theo cách giáo dục cho nam. Khi sinh ra đời, đứa trẻ là một nữ chứ không phải là nam. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn muốn đứa trẻ đó là một người nam chứ không phải là nữ nên cho trẻ mặt đồ của nam, chơi những trò chơi của nam và giáo dục theo cách với nam… Tất cả những điều này dần làm cho trẻ không thể định hướng giới tính của mình một cách chính xác mà bị lệc lạc. Trẻ nghĩ mình là một người nam trong khi thân thể là một người nữ. Vì thế, trẻ có khuynh hướng gần gũi và thích tiếp xúc với nam hơn và đối tượng trong tình yêu và hôn nhân đó là một nam.
-        Gia đình có bố mẹ ly thân/ly hôn: Mặc dầu chưa có số liệu thống kê một cách chính xác, tuy nhiên, qua tiếp cận lâm sàng một số trường hợp đồng tính có căn nguyên tâm lý xã hội cho thấy, hầu hết trẻ rơi vào hoàn cảnh của những gia đình mà bố mẹ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn xung đột, ly thân và ly hôn. Trẻ luôn chứng kiến những bất hòa xảy ra giữa bố mẹ chúng và không thể tin tưởng vào mối quan hệ tình cảm khác giới như mối quan hệ tình cảm của bố mẹ chúng hiện tại. Trẻ có xu hướng làm ngược lại để tránh sự đỗ vỡ như bố mẹ chúng đó là tìm đến mối quan hệ đồng giới để được an toàn.
-        Khủng hoảng về hình mẫu: Trong gia đình, thông thường trẻ có khuynh hướng chọn cho mình một mẫu người mà mình sẽ hướng tới. Hình mẫu với bé trai đó có thể là: bố, ông nội/ngoại, chú, bác, anh, người hàng xóm hoặc là nam diễn viên/ca sĩ mà chúng thần tượng… Hình mẫu của bé gái đó là mẹ, chị gái, bà nội/ngoại, cô, dì, người hàng xóm, hoặc là một nữ diễn viên/ca sĩ mà trẻ thần tượng. Cơ chế bắt chước đã giúp trẻ xây dựng mô hình giới tính của mình theo hình mẫu mà chúng đã lựa chọn. Tuy nhiên, vấn đề sẽ khác khi trẻ bị khủng hoảng về hình mẫu. Bố, mẹ trong gia đình không phải là hình mẫu cho trẻ hướng đến bởi vì bố, mẹ thì nghiện ngập, ngoại tình, đánh đập và hành hạ con cái, sống ích kỷ…làm cho trẻ không tin tưởng, hoài nghi về bố mẹ, thậm chí là ghét/căm thù bố mẹ. Trẻ cũng không chọn được ai để làm hình mẫu cho mình, vì thế trẻ có khuynh hướng làm ngược lại bằng cách chứng minh mình có thể làm người đàn ông tốt (trong khi thân thể của mình là nữ) hay người phụ nữ tốt (trong khi cơ thể của trẻ là nam).
-        Ảnh hưởng của tuổi thơ: Trẻ bị bạn bè trêu chọc là pê-đê khi còn nhỏ hoặc bị người đồng tính lạm dụng tình dục hay cưỡng hiếp.
-        Tính tò mò của tuổi trẻ và bạn bè xấu rủ rê: Nhiều bạn trẻ bước vào thế giới đồng tính chỉ vì bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo hay vì tò mò, muốn khám phá, trải nghiệm cái mới mà mọi người đang theo thử xem nó như thế nào nhưng khi bước vào rồi thì không có đường ra. Đây là nguyên nhân chính mà giới trẻ hiện nay bước vào thế giới thứ 3 theo trào lưu mới và không cân nhắc những tai hại đáng tiếc có thể xảy ra. Đây là những trẻ đáng trách hơn là đáng thương.
Những người đồng tính có căn nguyên sinh học là những người cần được sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông và không kỳ thị của xã hội. Bởi vì, bản thân họ không muốn điều này. Những người đồng tính có căn nguyên tâm lý mà những nguyên nhân đó không phải là mình mong muốn, đó là hệ quả của người lớn gây nên cũng cần được quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội. Tuy nhiên, đồng tính có nguyên nhân làtính tò mò của giới trẻ và bị bạn bè xấu rủ rê hay theo trào lưu mới của xã hội là những trường hợp đáng trách. Bởi vì, chính các bạn đã lựa chọn và ý thức về sự lựa chọn của mình.
Nếu bạn là người đồng tính hoặc là nạn nhân của những vấn đề đồng tính muốn tìm lối ra khi lạc lối nhưng không biết cách hay đang băn khoăn về lựa chọn“có nên trở thành người đồng tính hay không?” thì việc tham khảo và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý là điều thật sự cần thiết để bạn có quyết định chính xác. Đôi điều chia sẻ cùng các bạn trẻ. Các bạn hãy cân nhắc cho những lựa chọn của mình về vấn đề này.



Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét