Vai trò của giáo viên trong tham vấn

Để thiết lập các dịch vụ mang tính hiệu quả trong trường tiểu học, nhà tham vấn cần phát triển tốt mối quan hệ với giáo viên và nhân viên khác của trường.


Bằng cách đó, nhà tham vấn sẽ trở thành thành viên kết nối giữa các nhân viên trong trường và chương trình tham vấn của họ. Họ nhận ra rằng sự thành công của chương trình tham vấn chịu ảnh hưởng của các mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ đồng nghiệp được thiết lập giữa các giáo viên trong trường. Những mối quan hệ này sẽ thể hiện được những mục tiêu chung - được thiết lập giữa giáo viên và nhà tham vấn: rằng trẻ em sẽ có sự tiến bộ trong phát triển giáo dục, xã hội, và nhân cách của họ.

      Sự tham gia của giáo viên bắt đầu với ý kiến đánh giá của họ và những gợi ý cho việc thiết kế chương trình tham vấn học đường. Những đóng góp này thể hiện dưới hình thức như là bảng hỏi dành cho giáo viên, báo cáo của ủy ban cố vấn, và báo cáo đánh giá chương trình hàng năm. Ngoài ra, giáo viên tiểu học sẽ tích cực tham gia trong chương trình tham vấn học đường thông qua các hoạt động hướng dẫn mà họ kết hợp trong bài giảng hàng ngày. Họ lên giáo án cho những bài giảng này kết hợp với mục tiêu của toàn trường cũng như mục tiêu được đưa ra cho từng cấp học.
      Giáo viên tiểu học cũng có một vai trò quan trọng trong các quá trình giới thiệu cho trẻ em - những dịch vụ tham vấn cần thiết. Bởi vì, chính các giáo viên tiểu học có sự liên hệ với các học sinh của mình trong thời gian dài và dạy các em các chủ đề học tập. Họ ở một vị trí lý tưởng để quan sát sự phát triển của học sinh và phát hiện ra những trở ngại cho sự tiến bộ của trẻ. Theo đó, nhà tham vấn có thể dựa vào kỹ năng quan sát của giáo viên và sự chẩn đoán của giáo viên để hướng các em tới các dịch vụ.
     Giáo viên Tiểu học là người thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các học sinh của mình, trở thành người giúp đỡ trực tuyến đầu tiên tại trường và điều đó có thể giúp cho các nhà tham vấn đặt sự chú ý quan tâm tới những trường hợp đặc biệt từ các ý kiến phản hồi của giáo viên.
     Một lĩnh vực khác trong sự tham gia của giáo viên tiểu học với vấn đề tham vấn học đường, đó là mối quan hệ phụ huynh-nhà trường. Bởi vì, chính phụ huynh là những người rất quan tâm tới phúc lợi của con em mình, dó đó, sự giao tiếp giữa giáo viên và cha mẹ là buộc phải có. Giáo viên là người đánh giá dịch vụ của các chương trình tham vấn học đường, họ là người thông báo cho các nhà tham vấn về những nhu cầu mà phụ huynh chia sẻ, chỉ ra những gia đình có vấn đề về rối loạn chức năng gia đình, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến trẻ em trong trường học. Khi có thể, giáo viên tiểu học, gồm cả các nhà tham vấn tham dự buổi họp phụ huynh-giáo viên với mục đích đóng góp những thông tin, tạo điều kiện trao đổi lẫn nhau, và hướng tới cách giải quyết các mối quan tâm được đưa ra.
     Cuối cùng, những giáo viên có chuyên môn trong lĩnh vực phát triển trẻ em chính là nguồn nhân lực cho sự phát triển đội ngũ nhân viên của trường. Một số giáo viên tiểu học có kiến thức chuyên môn cao và kỹ năng đặc biệt là người có tiếng nói đối với đồng nghiệp của họ. Trong những trường hợp như vậy, nhà tham vấn nên tận dụng các giáo viên này, vì họ sẽ chấp nhận tham gia tập huấn từ những người có kinh nghiệm trong trường. Do đó, các nhà tham vấn cần tìm ra những giáo viên là những người xuất sắc và được tôn trọng trong trường và mời họ trở thành người điều hành hội thảo và thuyết trình.

Theo tamly.com.vn - TTH (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét