“Chiếc ghế trống” - kỹ thuật trị liệu của trường phái Gestalt


Fritz Perls

Frederick (Fritz) Perls là người sáng lập trị liệu Gestalt nhưng người có công phát triển chính là Erving Polster và Miriam Poslter. Trường phái Gestalt đưa ra nhiều kỹ thuật trị liệu có thể ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày đối với từng cá nhân hay nhóm nhỏ (lớp học, gia đình…). Ví dụ như: Kỹ thuật “chiếc ghế trống”, “giải mã giấc mơ”, Bài tập đối thoại, Kỹ thuật hoán vị, Bài luyện về tập diễn, bài tập phóng đại…. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một kỹ thuật thường được các nhà trị liệu sử dụng trong trị liệu cá nhân. Kỹ thuật này đã được nhiều nhà trị liệu đánh giá là nó đã mang lại những hiệu quả nhất định. Kỹ thuật “chiếc ghế trống” 

Kỹ thuật này dùng cho 3 cấp độ ý thức đầu tiên và dùng cho người nhiễu tâm và không giới hạn độ tuổi. Kỹ thuật này được áp dụng với những người rơi vào tình huống có hai giải pháp mà không biết chọn giải pháp nào.

Thực hiện kỹ thuật này có 6 giai đoạn:
1. Yêu cầu thân chủ nghĩ về những tình huống có tính đối lập gây ra sự bối rối cho thân chủ. Yêu cầu họ hình dung về những cảm giác của mình trong những tình huống đó. Sau đó nhà trị liệu đặt 2 chiếc ghế đối diện nhau và nói với thân chủ: “tình huống đó cũng hơi lạ, song anh hãy gắn hai trạng thái cảm xúc đó cho hai chiếc ghế. Ví dụ: một chiếc ghế tượng trưng cho nỗi tức giận, một ghế tượng trưng cho sự yêu thương”
2. Yêu cầu thân chủ lựa chọn một trong hai loại xúc cảm (thường là chọn loại xúc cảm nào mạnh hơn), sau đó yêu cầu thân chủ ngồi lên chiếc ghế đại diện cho loại xúc cảm đó (đại diện cho xúc cảm đã được lựa chọn). Khi thân chủ đã ngồi trên ghế thì nhà trị liệu yêu cầu thân chủ diễn tả cảm xúc của mình trong tình huống mâu thuẫn và nói to về cảm xúc đó. Ví dụ: “Tôi đang rất bực bội”.
3. Yêu cẩu thân chủ diễn tả cảm xúc của mình một cách thoải mái, để họ đi đến tận cùng cảm xúc đó.
4. Khi đã đạt được điều đó nhà trị liệu yêu cầu thân chủ ngồi sang ghế đối diện. Khi thân chủ đã chuyển sang ghế thức hai (ví dụ ghế tượng trưng cho sự yêu thương), nhà trị liệu yêu cầu thân chủ sống lại những tình cảm yêu thương, lòng vị tha của mình để bộc lộ hết các xúc cảm đó (tương tự như khi thân chủ ngồi ở ghế thứ nhất)
5. Sau đó, lại yêu cầu thân chủ quay về ghế thứ nhất để lại nói và bộc lộ hết những cảm xúc còn sót lại mà ghế thức nhất tượng trưng, rồi lại quay sang ghế thứ hai. Cứ làm như vậy cho đến khi hai loại cảm xúc này được bộc lộ hết. Sau khi bộc lộ hết các xúc cảm đã trải qua, thân chủ thường nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhóm, rằng không ngờ đã có những xúc cảm như vậy.
6. Nhà trị liệu bàn bạc với thân chủ về các cảm xúc và yêu cầu thân chủ cố gắng diễn tả các cảm xúc của mình trong cuộc sống đời thường. Khi thân chủ có những xúc cảm khác nhau. Ví dụ vừa tức giận, vừa sợ hãi thì yêu cầu họ chỉ được chọn một loại xúc cảm. Sau đó mỗi lần tiếp xúc, nhà trị liệu lại yêu cầu mô tả kỹ lưỡng những xúc cảm của mình trong cuộc sống thường ngày. Thông thường sau đó thân chủ sẽ thay đổi cách ứng xử trong quan hệ với những người có liên quan trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn với ông bố anh ta có thể nói ý kiến của mình khi bố tức giận với mình…
Ở lần gặp tiếp theo, nhà trị liệu yêu cầu thân chủ nói lại những thay đổi trong quan hệ của mình với bố. Nếu thân chủ vẫn còn bị ức chế thì nhà trị liệu yêu cầu anh ta nhớ lại những cảm xúc đã trải qua khi có quan hệ đó.

(Nguồn: Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét